6/3/15

Di sản sẽ mất nếu không làm tốt việc bảo tồn & phát huy

Trước tiên, xin kể hai câu chuyện


1-Già Âe Em, một Po rieo Yang- Thày cúng - rất có uy tín của buôn Sut chúng tôi. Không biết trong cuộc đời, cụ đã thực hiện cho các buôn sang mấy trăm lễ cúng . Nhưng khi cụ khuất núi, gia đình không muốn đánh ching đưa tiễn . Đám tang Nghệ nhân Âe Wưu, người được phong tặng danh hiệu “ Nghệ nhân dân gian” kể trường ca, sử thi, tình trạng cũng tương tự .

2- Cô ruột chúng tôi ngoài 80 mùa rẫy, mới mất tháng 1/2015, tổ chức tang theo nghi lễ Phật giáo. Niệm Phật từ sáng tới tối, cô vẫn chưa “đi” . Chỉ tới khi con cháu về đầy đủ, những người phụ nữ cao niên trong dòng họ bằng tiếng Ê đê động viên, an ủi, cô mới an lòng nhắm mắt.

Xin không bình luận gì. Nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “ mất văn hóa là mất tất cả”. “ Tất cả” theo thiển nghĩ của tôi mất văn hóa truyền thống chính là mất dân tộc.




40 năm phát triển sau giải phóng, với sự quan tâm của Nhà nước, của nhiều thế hệ lãnh đạo, sự nhiệt tâm của ngành văn hóa từng địa phương, từ thập kỷ 80 của TK XX, Tây Nguyên đã luôn nằm trong tốp những đơn vị dẫn đầu, là điểm sáng của ngành văn hóa cả nước, ngoài 6 hoạt động văn hóa, thì công tác bảo tồn gìn giữ văn hóa dân gian đã được chú trọng, như :

- Ngay từ năm 1977 – 80 Đăk Lăk đã thành lập trường nghiệp vụ văn hóa, đã có lớp tập huấn về công tác sau tầm đầu tiên trong khu vực . Đội ngũ các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa khắp Tây Nguyên ngày một đông đảo.

- Các cuộc thi tay nghề dệt thổ cẩm truyền thống & truyền dạy diễn tấu ching chêng, đan mây tre, tạc tượng mở khắp các tỉnh.

- Những lễ hội văn hóa cồng chiêng, du lịch, cà phê, hoa…diễn ra định kỳ trong khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên….

Các hoạt động trên góp một phần đáng kể vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống, cũng như tăng mức độ hưởng thụ văn hóa của đông đảo công chúng là đồng bào các dân tộc .Từ đó, văn hóa truyền thống của hơn 40 dân tộc anh em đang cư trú tại Tây Nguyên vài thập kỷ sau giải phóng gần như vẫn còn được bảo lưu.

Tuy nhiên, sau khi được Quốc tế tôn vinh ( 2005), mặc dù nhà nước đã chi rất nhiều kinh phí cho việc bảo tồn & phát huy “ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, nhưng việc giao thoa văn hóa, tín ngưỡng các vùng miền, những thông tin thiếu chọn lọc trên các phương tiện truyền thông; cũng như do nhiều biến động của xã hội và của đội ngũ cán bộ, bên cạnh đó người dân chưa thật sự ý thức hoặc hiểu thấu đáo vẻ đẹp văn hóa dân gian của chính mình, kể cả việc các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, chưa bao giờ trao đổi với người dân về nhận thức của họ đối với Di Sản văn hóa truyền thống, cũng như chưa bao giờ trưng cầu ý dân về việc cần gìn giữ những Di Sản gì? Như thế nào? Nên một vài năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên có biểu hiện chững lại, lúng túng, rõ nhất là :

- Không gian văn hóa, đặc biệt là di sản vật thể kiến trúc ở ( nhà sàn), nghề truyền thống, triệt tiêu dần tại các buôn, kon, plei .

- Di sản nghệ thuật diễn xướng phi vật thể hoàn toàn vắng bóng trong mọi sinh hoạt tự thân của cộng đồng,chỉ còn xuất hiện trong các cuộc liên hoan, hội diễn khi ngành văn hóa tổ chức,phục vụ khách du lịch....

- Người biết múa, hát các làn điệu dân vũ, dân ca, chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống ngày càng trở nên hiếm hoi….

- Trang phục dân tộc vừa biến dạng vừa biến mất không chỉ trong từng gia đình mà còn cả ở cộng đồng. ( Một số làng nghề dệt thổ cẩm từng được hỗ trợ cả về điều kiện vật chất và động viên tinh thần, nơi thì hoạt động cầm chừng, nơi thì xóa sổ vì không tìm được thị trường tiêu thụ cả trong lẫn ngoài cộng đồng ).

 
Trang phục nguyên gốc biến dạng

- Các nhà Rông, Gươn văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng không được bổ sung phương tiện,hoạt động không hiệu quả….

Đây chỉ là một vài nét chính nằm trong sự mai một của Di Sản, mà danh hiệu ấy, nếu không được bảo tồn và phát huy, sẽ bị thu hồi.

Vậy cần làm gì để thúc đẩy phong trào bảo tồn & phát huy văn hóa truyền thống, để không chỉ gìn giữ “ Di Sản Văn hóa phi vật thể của Nhân loại” Quốc tế đã tôn vinh, mà còn trở thành nét đẹp thật sự như vốn đã từng có của đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc, bao gồm cả khối đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc, hiện đang cộng cư rất đông đảo tại Tây Nguyên ? Điều này khó, chật vật, nhưng không phải không làm được, nếu tạo được sự đồng thuận của cả lãnh đạo lẫn bà con các dân tộc .

Theo ý kiến cá nhân chúng tôi, cần phải có sự chuyển biến mạnh hơn trước hết ở góc độ của các nhà quản lý :

- Căn cứ vào những chính sách đã có của Nhà nước, tỉnh thậm chí của cả các huyện đối với Di Sản “ Không gian văn hóa cồng chiêng” , cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung liên quan tới việc bảo tồn & phát huy giá trị đích thực của văn hóa truyền thống, như một đặc thù riêng của mỗi đại phương. Ví dụ như :

* Đưa thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới của những địa phương vùng dân tộc ( kể cả dân tộc phía bắc di cư)

* Đặc cách rà soát và bổ xung đội ngũ cán bộ văn hóa người dân tộc tại các địa bàn vùng dân tộc ( chung cho cả khối các dân tộc phía Bắc lẫn bản địa như Tỉnh ủy Đăk lăk từng có Chỉ thị 19 về việc đặc cách này). Thậm chí là tuyển chọn trí thức nhân tài đối với hoạt động văn hóa

* Biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, tổ chức tập huấn, tọa đàm với cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc, các già làng về “ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” là gì ? cần phải Bảo tồn, gìn giữ & phát huy như thế nào?

* Lấy ý kiến người dân (bằng các câu hỏi đã biên soạn, do cán bộ người các dân tộc hướng dẫn, bằng tiếng các dân tộc) từ cấp cơ sở buôn, bản, về việc cần bảo tồn & phát huy những gì ? như thế nào? về truyền thống văn hóa tộc người. Kể cả việc tự xây dựng những quy định lề lối ứng xử văn hóa trong đời sống buôn, bản, căn cứ theo một số điều khoản của Luật pháp & những yếu tố tích cực của Luật tục cổ truyền ( không nên gọi là “ hương ước” ).

* Tổ chức tọa đàm với chức sắc các tôn giáo, để vận động tham gia vào việc Bảo tồn , gìn giữ & phát huy văn hóa truyền thống các tộc người tại các địa phận coi sóc.

* Mỗi địa phương chuẩn hóa một số mô hình nhà sàn bằng vật liệu bền vững, phổ biến cho người dân tham khảo thay thế nhà sàn gỗ .

 
Người dân tự thiết kế nhà sàn bền vững

* Vận động các doanh nghiệp, người dân đóng góp hỗ trợ mỗi buôn , kon, plei bảo tồn một ngôi nhà sàn truyền thống,có thể vừa là nhà ở , vừa trở thành nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, thay vì làm nhà văn hóa bằng vật liệu kiên cố.

* Điều tiết kinh phí để ngoài những lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, còn hướng dẫn bà con chế tác thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ thổ cẩm, gốm & mây tre hoặc tượng gỗ đặc trưng dân tộc vùng miền, tham gia vào thị trường du lịch bản địa.

* Quy định cụ thể về việc mặc trang phục dân tộc ( kể cả nguyên gốc hoặc cải tiến) đầu tuần tại công sở; Đặc biệt trong khai mạc, bế mạc những ngày lễ trọng ( Hội nghị, hội thảo, khai giảng, bế giảng…).

* Nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ bằng các quy định cụ thể : 2- 3 lần/ tuần tại các trường học vùng dân tộc trong toàn tỉnh, học sinh & giáo viên dân tộc mặc trang phục truyền thống. Lập các “ Góc quê hương” ( hiện vật, tranh vẽ, ảnh…) tại các trường, thậm chí là lớp, ở các cấp học; tổ chức cho học sinh lần lượt tham quan các bảo tàng tỉnh.

* Thay cho lễ hội ( vì đã chuyển đổi tín ngưỡng) các ngành gắn những hoạt động văn hóa truyền thống ( diễn tấu ching, uống rượu cần, trò chơi dân gian…) tại cơ sở vào các ngày lễ đặc trưng trong năm ( mừng thọ người cao tuổi 1/10, chúc mừng phụ nữ 8/3-20/10, hoạt động Thanh niên 26/3…). Đưa thêm nội dung kể trường ca, sử thi vào các liên hoan văn hóa ở các cấp.

* Các ngành chức năng cần giúp đỡ tiếp cận thị trường bằng cách tổ chức thu mua,chế tác, trưng bày, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm, mây tre đan, tượng gỗ…cho các buôn có năng lực sản xuất.

Về phía người dân :

* Cần có sự hiểu biết, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm đối với truyền thống văn hóa của chính tộc người mình

* Tự nguyện tham gia đóng góp tích cực và thấu đáo vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những tinh hoa trong vốn văn hóa cổ truyền của mình ( bàn bạc, tuyên truyền giáo dục , tự giác truyền dạy cho con cháu…)

* Cải tiến sản phẩm dệt, đan mây tre, tạc tượng…theo hướng thủ công mỹ nghệ theo thị hiếu , để tham gia thị trường du lịch địa phương ( vừa bảo tồn vừa phát huy nghề)

Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi tỉnh cần có những quyết sách đặc thù riêng, phù hợp với nguyện vọng người dân, mới có thể làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy kho tàng các Di sản văn hóa truyền thống của quê hương, không để tuột khỏi tay danh hiệu quý báu ấy. Bởi một trong 6 tiêu chí tôn vinh của tổ chức UNESCO là “ có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng”. Được tôn vinh cũng chính là nhắc nhở các chủ nhân về giá trị văn hóa tinh thần quý báu cần gìn giữ. Đến khi mất hẳn rồi thì đâu còn có danh hiệu “ DI SẢN” nữa .

Nguồn Linhnganiekdam.vn

0 nhận xét

 
© Tin Tức Tây Nguyên | VĂN HÓA Ê ĐÊ ĐẮK LẮK BUÔN MA THUỘT
Designed by KNUL - Laptop daklak - Thực hiện viết bài KNUL - Thiết kế và quản lý bởi thiet ke web buon ma thuot
Trở về TOP